9 điều cần tránh khi hóa trị

20191126 160613 795213 Hoa Tri Ung Thu.max 1800x1800

9 điều cần tránh khi hóa trị

Người bệnh ung thư nên tránh vận động quá mức, đề phòng nhiễm trùng, không hút thuốc, tránh tia cực tím trong khi hóa trị để giữ sức khỏe.

Hóa trị là quá trình sử dụng các loại thuốc mạnh để làm chậm hoặc ngăn chặn tế bào ung thư phát triển. Phương pháp điều trị này có thể gây một số tác dụng phụ. Dưới đây là một số gợi ý phòng ngừa để có lợi cho người bệnh ung thư.

Tiếp xúc với dịch cơ thể

Cơ thể thường chuyển hóa các loại thuốc hóa trị trong vòng 48-72 tiếng sau điều trị. Các loại thuốc này có thể xuất hiện trong các dịch cơ thể khác nhau gồm nước tiểu, phân và chất nôn. Do thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng tới tế bào khỏe mạnh nên việc tiếp xúc với dịch cơ thể khác nhau có thể gây hại cho bản thân hoặc người khác.

Người bệnh nên rửa tay kỹ và lau khô sau khi vào nhà tắm hoặc sau khi tiếp xúc với chất dịch có thể chứa thuốc hóa trị. Tiếp theo, hãy xả nước hai lần sau khi đi vệ sinh hoặc sử dụng phòng tắm, đảm bảo đã hạ nắp bồn vệ sinh để tránh các giọt bắn. Người bệnh cần giặt sạch quần áo hoặc khăn trải giường tiếp xúc với dịch cơ thể. Các đồ này cần giặt riêng, sử dụng chế độ ấm trên máy và bột giặt thông thường.

Nếu bị nôn, người bệnh nên làm sạch vật chứa hoặc khu vực bẩn bằng nước ấm, xà phòng và lau khô. Bạn nên hỏi bác sĩ về chất dịch cơ thể có thể bị ảnh hưởng để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Làm việc quá mức

Tác dụng phụ thường gặp khi hóa trị là cảm thấy mệt mỏi hoặc uể oải. Vì vậy, bệnh nhân không nên làm việc quá mức để tránh kiệt sức; cố gắng ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm, nếu cần có thể chợp mắt một vài giấc ngắn trong ngày. Người thân có thể giúp đỡ bạn trong các hoạt động hàng ngày, ví dụ việc gia đình, việc vặt, chăm con và đưa đến bệnh viện thăm khám.

Nhiễm trùng

Hóa trị làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ nhiễm trùng hơn. Bệnh nhân có thể tránh nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm, nhất là sau khi đi vệ sinh, xử lý thực phẩm sống, trước khi ăn. Bạn có thể mang theo nước rửa tay trong trường hợp không có xà phòng và nước, có thể dùng khăn lau khử trùng với các bề mặt tiếp xúc nhiều người như tay nắm cửa, nút máy rút tiền ATM.

Biện pháp khác đề phòng nhiễm trùng gồm tiêm phòng cúm khi được bác sĩ đồng ý; hạn chế đến nơi đông người, bảo quản thực phẩm đúng cách và tránh làm xước, gây vết thương trên da.

Rửa tay thường xuyên là phương pháp chống nhiễm trùng. Ảnh: Freepik

Rửa tay thường xuyên là phương pháp chống nhiễm trùng. Ảnh: Freepik

Ăn quá no

Hóa trị đôi khi có thể gây chán ăn do tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, loét miệng hoặc cảm thấy mệt mỏi. Người bệnh vẫn cần ăn dù không cảm thấy đói. Ăn không đủ có thể gây sút cân, khiến tình trạng mệt mỏi tồi tệ hơn. Chia nhỏ các bữa ăn, tránh các bữa ăn lớn, ăn quá no vì có thể gây buồn nôn. Lập thời gian biểu bữa ăn hàng ngày để ghi nhớ thực đơn và thời điểm nên ăn cũng là gợi ý.

Thực phẩm sống

Thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín có thể chứa vi trùng gây ngộ độc thực phẩm. Người bệnh nên tránh ăn thức ăn sống hoặc chưa nấu chính như hải sản, gia cầm, thịt, trứng; sữa hoặc phô mai chưa tiệt trùng. Lưu ý rửa tay kỹ sau khi sơ chế, làm sạch các bề mặt tiếp xúc thực phẩm như thớt hoặc mặt bàn. Vi trùng có hại cũng có thể có trên trái cây và rau sống, người bệnh cần rửa sạch các thực phẩm này trước khi ăn.

Người ung thư đang hóa trị cần kiêng thực phẩm sống để tránh nhiễm trùng. Ảnh: Freepik

Người ung thư đang hóa trị cần kiêng thực phẩm sống để tránh nhiễm trùng. Ảnh: Freepik

Thức ăn cứng, chua hoặc cay

Hóa trị có thể làm thay đổi miệng và cổ họng, ví dụ tăng độ nhạy cảm và loét miệng. Khi đang hóa trị, bệnh nhân cần tránh các loại thực phẩm có thể gây kích ứng thêm các cơ quan này như có tính axit, cứng, cay. Một số loại cần hạn chế gồm bánh quy giòn, khoai tây chiên, bắp rang bơ, trái cây có múi, sốt cà chua, cafe, ớt, đồ uống có ga…

Uống nhiều rượu

Thường xuyên uống rượu trong quá trình điều trị không có lợi cho người bệnh. Rượu có thể làm trầm trọng thêm một số tác dụng phụ của thuốc hóa trị, ví dụ mất nước, tiêu chảy và lở miệng. Ngoài ra, thức uống có cồn này có thể gây thêm áp lực lên gan, bên cạnh thuốc hóa trị.

Hút thuốc

Thuốc lá làm giảm khả năng miễn dịch, chậm quá trình lành vết thương và tăng nguy cơ mắc bệnh khác. Hút thuốc tác động tiêu cực tới quá trình điều trị ung thư, gồm giảm cân, buồn nôn, gián đoạn giấc ngủ, các vấn đề về da, giảm hiệu quả hóa trị. Một nghiên cứu năm 2014 về ung thư phổi cho thấy thuốc hóa trị bị cơ thể đào thải nhanh hơn so với người không hút thuốc. Do đó, người bệnh cần cố gắng bỏ thuốc trước khi hóa trị, xin ý kiến bác sĩ về kế hoạch bỏ thuốc lá dễ tuân thủ.

Tránh tia cực tím

Hóa trị có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn với tia cực tím (tia UV), có trong ánh sáng mặt trời và giường tắm nắng. Tiếp xúc với tia UV có thể gây bỏng và phản ứng da. Người bệnh nên bôi kem chống nắng nếu phải ở ngoài trời hơn 15 phút, sử dụng loại kem có chỉ số SPF cao, thoa kem trước khi ra ngoài ít nhất 30 phút. Người bệnh ung thư nên cố gắng ra ngoài sớm hẳn hoặc muộn hẳn, khi mặt trời chưa lên cao.

Bạn có thể mặc quần áo rộng, che đi phần lớn cơ thể, bảo vệ đầu và da đầu bằng cách đội mũ, thoa lại kem chống nắng khi đổ mồ hôi nhiều hoặc vừa đi bơi. Sử dụng ô hoặc bóng râm di động để giúp che ánh sáng mặt trời.

Chi Lê (Theo Healthline)

Nguồn: bệnh viện vinmec và chuyên mục sức khỏe vnexpress.net