Viêm Amiđan cấp – bạn cần đến bệnh viện khi nào?

Amidan Binh Thuong778
Viêm Amiđan cấp – bạn cần đến bệnh viện khi nào?

Amidan Binh Thuong778

Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Viêm Amiđan cấp tính là hiện tượng viêm tổ chức amiđan, chủ yếu do nhiễm trùng. Viêm Amiđan thực chất là viêm họng nhưng các biểu hiện bệnh khu trú chủ yếu tại tổ chức Amiđan. Bệnh phổ biến hơn ở người trẻ, đặc biệt là vào mùa thu hoặc hay di chuyển giữa các khu vực có và không có điều hoà nhiệt độ.

Nguyên nhân gây bệnh

– 50-80% trường hợp là do virus (virus Epstein-Barr (EBV), herpes simplex, bệnh cúm và virus rhino).

– 20-50% do vi khuẩn, trong đó liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A (GAS), gây ra 5-36% trường hợp. Nấm (Candida) có thể gây viêm Amiđan ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Chẩn đoán xác định

Viêm Amiđan có các triệu chứng chính là:

– Người bệnh cảm giác mệt mỏi kèm theo sốt và đau họng khởi phát đột ngột.

– Khi khám thấy:

+ Amiđan xung huyết, phù nề và có thể có một lớp giả mạc bao phủ.

+ Hạch góc hàm hoặc hạch nhóm cổ cao trướng ứng với bên cạnh hoặc ngay dưới Amiđan sưng đau, di động.

Điều trị tại nhà

80% các trường hợp người bệnh có biểu hiện như mô tả ở trên có thể tự điều trị ở nhà bằng các  thuốc:

– Toàn thân: Kháng sinh thông thường nhóm betalactam hoặc loại kháng sinh bạn có sẵn trong nhà (nếu có giả mạc), kháng viêm, hạ sốt, giảm đau (liều tuân thủ theo hướng dẫn của thuốc).

– Tại chỗ: súc họng bằng những dung dịch kiềm nhẹ hoặc pha nước muối nhạt như nước canh để cân bằng lại môi trường pH của bệnh.

Cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế

– Viêm Amiđan có thể lan xuống hạ họng, thanh quản nếu bệnh nhân có giọng khàn hoặc khó thở, thở rít, tăng tiết nước bọt.

– Nghi ngờ viêm Amiđan do liên cầu Beta tan huyết nhóm A với thang điểm trên 3 điểm (Dịch tiết bề mặt Amiđan (1đ), hạch dưới hàm mềm, ấn đau (1đ), sốt cao đột ngột trên 39 độ (1đ), không có biểu hiện ho (1đ)). Kháng sinh nên dùng là: penicillin V, hoặc acrolide, hoặc clarithromycin nếu bệnh nhân bị dị ứng với penicillin. Phải có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa để đề phòng biến chứng toàn thân cho thận, tim và các khớp.

– Nghi ngờ viêm họng do tăng bạch cầu đơn nhân: bệnh phổ biến ở thanh thiếu niên và người lớn, truyền qua nước bọt, do đó còn có tên “bệnh của những nụ hôn”. Biểu hiện điển hình là cảm giác khó chịu và sốt, sau đó đau họng và nổi hạch ở dưới hàm.

– Khám thấy:

+ Amidan to, có lớp giả mạc và có hiện tượng bong lớp biểu mô bề mặt Amiđan, có thể có chấm xuất huyết ở khẩu cái mềm;

+ Hạch cổ mềm đau, đôi khi xuất hiện thêm hạch toàn thân;

+ Lách to;

+ Xét nghiệm: tăng tế bào lympho và tỷ lệ tăng tế bào lympho không điển hình;

+ Kháng thể kháng vi rút Ebstain-Barr trong máu ngoại vi.

– Biến chứng: Nguy cơ vỡ lách theo y văn chiếm khoảng 0,1% số bệnh nhân viêm Amiđan do tăng bạch cầu đơn nhân. Sự thâm nhiễm tế bào lympho dẫn đến tăng kích thước lách, làm vỏ lách mỏng nên dễ vỡ. Những trường hợp này cần lưu ý ở những bệnh nhân viêm Amiđan nghi ngờ do tăng bạch cầu lympho mà xuất hiện đau bụng ở phía trên bên trái lan tỏa lên vai trái (dấu hiệu Kehr), cần siêu âm đánh giá lách.

Một số bác sĩ đề nghị siêu âm lách vào tuần thứ 4 sau khi xuất viện, đặc biệt là ở các vận động viên.

– Nghi ngờ viêm tấy hoặc áp xe quanh Amiđan, hoặc áp xe khoang quanh họng:

Thường xuất hiện từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, mặc dù sử dụng kháng sinh nhưng tình trạng đau họng tăng dần, giọng nói thay đổi (ví như nói giọng như ngậm hạt thị), khó nuốt, nước bọt tăng tiết.

Khám thấy trụ trước hoặc trụ sau căng phồng, nề, lưỡi gà nề và bị đẩy lệch sang bên đối diện, Amiđan bị đẩy vào trong và lên trên, há miệng đôi khi hạn chế.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào