Đội ngũ chuyên gia đột quỵ não BVĐHYHN được nhận thông tin về mọi ca đột quỵ, hội chẩn nhanh, đưa ra phương pháp điều trị tối ưu dành cho mọi trường hợp, đặc biệt trong khoảng thời gian vàng.
Ca lâm sàng
Bệnh nhân N.M.P (nam, 51 tuổi) được Cấp cứu 115 đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng lơ mơ, yếu liệt ½ người trái. Khai thác người nhà đi cùng được biết, bệnh nhân đang uống trà thì xuất hiện lơ mơ, nói khó trước vào viện 1 giờ.
Bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực khám lâm sàng và đánh giá nhanh: bệnh nhân liệt ½ người trái, thất ngôn thang điểm ý thức GCS 12 điểm, thang điểm đột quỵ NIHSS 12 điểm, HA 90/60 mmHg, đường máu mao mạch 6,7.
Ngay lập tức, bệnh nhân được thông báo lên nhóm Stroke của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và thực hiện theo protocol Đột quỵ cấp, tiến hành chụp cắt lớp vi tính sọ não nhanh nhất. Kết quả: Tắc động mạch cảnh trong phải, phù hợp với bệnh cảnh liệt đối bên và tắc lớn gây rối loạn ý thức.
Người bệnh đột quỵ may mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân được chuẩn bị siêu âm tim tại giường đánh giá nguy cơ huyết khối buồng tim và tràn dịch màng ngoài tim, phình tách mạch và cân tại giường để tiến hành tính liều tiêu sợi huyết. Chỉ 5 phút đánh giá tim mạch, bệnh nhân được kiểm tra thấy dù nhịp rung nhĩ nhưng không có huyết khối buồng tim mà có huyết khối ở động mạch cảnh trong phải.
Nhóm Stroke thảo luận và ngay lập tức quyết định tiêu sợi huyết kết hợp can thiệp mạch. Bệnh nhân được tiêu sợi huyết với thời gian cửa kim (true door needle) =30 phút và tiến hành can thiệp mạch sau 45 phút.
Sau khi can thiệp, bệnh nhân được hút ra huyết khối ở động mạch cảnh trong phải, tình trạng cải thiện kỳ diệu, bệnh nhân tỉnh táo dần và giảm điểm đột quỵ NIHSS xuống 2.
Đột quỵ não là gì?
“Đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự mất đột ngột cấp tính các chức năng của não (thường khu trú), tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trước 24 giờ. Các triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương chi phối, không do nguyên nhân chấn thương”.
Đột quỵ não gồm 2 dạng chính: đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ chảy máu não có chiến lược xử trí hoàn toàn khác nhau.
Triệu chứng lâm sàng
Đột quỵ não có thể gây ra nhiều triệu chứng tuy nhiên để dễ nhớ chúng ta nghi ngờ khi có ít nhất 1 trong 3 nhóm dấu hiệu sau, xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90 – 95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T
– Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi-má mờ;
– Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại;
– Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ… như bình thường trước đó.
– Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh/người nhà cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Tối ưu “thời gian là não”
Cấp cứu càng sớm càng tốt, tối ưu trong vòng 3 tiếng đồng hồ có thể mở rộng cửa sổ đến 4,5 giờ từ khi khởi phát triệu chứng với tiêu huyết khối. Cấp cứu trong vòng 8 giờ đồng hồ từ khi khởi phát: Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Phương pháp điều trị để tối ưu hóa trong việc chẩn đoán và điều trị đột quỵ não: Nhóm đột quỵ não và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã xây dựng phác đồ, hướng dẫn cụ thể và được coi là tối cấp cứu, được ưu tiên hàng đầu đúng theo “thời gian là não”.
Đội ngũ chuyên gia đột quỵ não toàn viện được nhận thông tin về mọi ca đột quỵ, hội chẩn nhanh, đưa ra phương pháp điều trị tối ưu dành cho mọi trường hợp, đặc biệt trong khoảng thời gian vàng.
Lời khuyên của bác sĩ
Dù chỉ là nghi ngờ đột quỵ, người bệnh cũng nên được đưa ngay vào bệnh viện để kiểm tra đầy đủ, càng sớm càng tốt. Không nên dùng các thuốc trôi nổi trên thị trường được coi là chống hoặc chữa đột quỵ vì có thể mất cơ hội vàng của người bệnh và đôi khi gây nguy hiểm đến tính mạng.
Người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các nguy cơ và điều trị sớm các bệnh có nguy cơ gây đột quỵ não là cách phòng tránh tối ưu nhất đối với căn bệnh đặc biệt nguy hiểm này.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải – ThS.BS Nguyễn Minh Nguyên
- TS.BS. Bạch Quốc Khánh làm chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam
- Tiến Sĩ Bác sĩ chuyên khoa Huyết Học – Ghép Tủy HSCT – Dr Yvonne Loh Su Ming
- Chuyên gia quốc tế tại Hội Nghị Huyết Học Truyền Máu Toàn Quốc 2022
- Để tránh cái chết đột ngột vào ban đêm
- Không có tinh trùng – nam giới có thể có con?
- Dị vật đường ăn và những điều cần lưu ý
- Triệu chứng cảnh báo ung thư ở người lớn tuổi
- Khám sức khỏe định kỳ doanh nghiệp tại cơ quan