Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận và can thiệp thành công trường hợp đột quỵ chảy máu não nguy hiểm, qua đó chúng tôi muốn cảnh báo về việc nhiều người vẫn còn chưa biết hoặc chủ quan trước các dấu hiệu bệnh, trong khi tỷ lệ mắc ngày một phổ biến ở nhiều lứa tuổi khác nhau, không loại trừ ai.
Bệnh nhân Ngô Thị H. (72 tuổi, ở Đan Phượng – Hà Nội) được các con đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, đau đầu dữ dội.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu bằng các phương tiện tối ưu trong thời gian sớm nhất. Sau khi có kết quả, các bác sĩ Đơn vị đột quỵ – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chẩn đoán xác định bệnh nhân bị vỡ túi phình động mạch trong não gây chảy máu lan toả bề mặt nhu mô não; thời gian từ lúc chảy máu đến khi đưa vào viện là 1 tiếng.
Hình ảnh túi phình động mạch trong não.
Bệnh nhân nhanh chóng được chụp mạch số hoá xoá nền và can thiệp nút tắc túi phình mạch trong não. Nguyên nhân chảy máu đã được điều trị triệt để, tình huống nguy hiểm về tính mạng đã qua, tuy nhiên hậu quả của lượng máu chảy ra còn đọng trong não cần thời gian dài để hồi phục. Bệnh nhân bị đau đầu kéo dài và cần phục hồi chức năng hàng tháng, chưa kể trong thời gian nằm viện phải kiên trì, tích cực tập luyện và cần người nhà hỗ trợ khoảng 3 – 4 tuần.
Phình động mạch não vỡ là một nguyên nhân được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán xác định bệnh. Tuy nhiên, có những dấu hiệu báo trước của phình động mạch não mà bản thân các bác sĩ và người dân có thể chưa biết đến.
Qua khai thác thông tin từ người nhà cho biết, bà H. xuất hiện triệu chứng sụp mi vài tháng nay và đi khám ở chuyên khoa mắt với các chẩn đoán khác nhau và đã được điều trị bằng corticoid, chống viêm… nhưng không đỡ.
Hình ảnh trước và sau khi can thiệp nút mạch cho bệnh nhân.
Theo BS. Nguyễn Ngọc Cương – khoa Chẩn đoán hình ảnh, túi phình ở động mạch trong sọ vị trí động mạch thông sau rất hay gây hiện tượng sụp mi. Đáng chú ý, có nhiều biểu hiện triệu chứng ở MẮT như lồi mắt, đỏ mắt, sụp mi… hoặc ở TAI như ù tai, nghe nhịp đập trong tai,… lại có nguyên nhân từ bất thường mạch máu trong sọ.
Hiện nay, nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại ra đời giúp cho các bác sĩ hiểu rõ về cơ chế của các bất thường mạch máu trong sọ, vì vậy hầu như các bệnh lý mạch máu trong não có thể được phát hiện ở giai đoạn chưa biến chứng. Nếu người bệnh được phát hiện và điều trị can thiệp trước khi biến chứng chảy máu thì khả năng hồi phục gần như hoàn toàn mà không để lại hậu quả thần kinh nào.
Như vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, mỗi người dân ngay từ bây giờ nên lưu ý về một số dấu hiệu dự báo của phình động mạch não nhằm áp dụng trong các trường hợp không may có người thân mắc đột quỵ để phát hiện sớm, đi khám và điều trị kịp thời, tránh mọi tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.
Khoa Chẩn đoán hình ảnh-BV DHYHN
- TS.BS. Bạch Quốc Khánh làm chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam
- Tiến Sĩ Bác sĩ chuyên khoa Huyết Học – Ghép Tủy HSCT – Dr Yvonne Loh Su Ming
- Chuyên gia quốc tế tại Hội Nghị Huyết Học Truyền Máu Toàn Quốc 2022
- Tại sɑo từ 45-55 tuổi là giɑi đoạп пgᴜy hiểm nhất củɑ một đời пgười?
- Happy New Year 2022
- Nam thanh niên bị viêm tắc mạch và phải cưa mất đôi chân đúng độ tuổi thanh xuân
- Chúc Mừng Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27.2.2024