Suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh gì?
Hệ thống tĩnh mạch ở chân sẽ dẫn máu từ chân trở về tim nhờ hoạt động bình thường của hệ thống van tĩnh mạch chi dưới, sức hút của tim và sức hút của phổi cũng như hoạt động bình thường của cơ vùng bàn chân, cẳng chân và vùng đùi.
Suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính (Chronic Vein Insuficiency – CVI) là tình trạng máu trong lòng tĩnh mạch không theo dòng chảy bình thường mà trào ngược lại ngoại biên gây ứ máu ở chân do các van tĩnh mạch đóng không kín.
Hình ảnh minh họa về hệ thống tĩnh mạch chi dưới
Biểu hiện của bệnh thường là tĩnh mạch chân giãn lớn, nổi trên mặt da; với một số người có thể không thấy bất thường gì ở chân nhưng với phần lớn sẽ có biểu hiện: đau chân, nặng chân, tê bì hay chuột rút và khó chịu… ở chân.
Đôi khi suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn: loét chân, hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch giãn hoặc vỡ mạch gây chảy máu, tuy nhiên những điều này ít khi xảy ra.
Giãn tĩnh mạch (Varicose Veins) là biến đổi bất thường (do giãn bệnh lý của một hoặc nhiều tĩnh mạch nông) đôi khi chỉ là vấn đề về mặt thẩm mỹ nhưng thông thường đó là một biểu hiện nhẹ và thường gặp của suy tĩnh mạch chi dưới.
Triệu chứng và các giai đoạn tiến triển của bệnh
Một số triệu chứng điển hình khi bị suy tĩnh mạch chi dưới: Cảm giác nặng chân, tê mỏi, kiến bò, chuột rút chân, đau nhức chân, đặc biệt vùng bắp chân và bàn chân, sưng phù (vùng dễ nhận thấy nhất là mu bàn chân hoặc cổ chân), ngứa, dị cảm ở cẳng chân hay bàn chân, nóng rát, đau dọc mạch máu, tĩnh mạch xanh nổi và phình dọc theo đùi, cẳng chân, trên mắt cá hoặc đầu gối; thay đổi màu sắc da xung quanh cổ chân: sạm da, da mỏng hơn, lở loét hoặc nhiễm trùng mô mềm. Các triệu chứng thường nặng hơn về cuối ngày hoặc khi phải đứng lâu, ngồi lâu.
Bệnh gồm 7 giai đoạn tiến triển từ nhẹ đến nặng như sau:
Giai đoạn C0: không có biểu hiện bệnh lý tĩnh mạch có thể quan sát hay sờ thấy. Ở giai đoạn này bệnh nhân có triệu chứng điển hình của suy tĩnh mạch nhưng chưa có dấu hiệu khi thăm khám.
Giai đoạn C1: giãn mao mạch mạng nhện hoặc dạng lưới đường kính < 3 mm.
Giai đoạn C2: giãn tĩnh mạch, đường kính > 3 mm.
Giai đoạn C3: phù chi dưới, chưa có biến đổi sắc tố trên da.
Giai đoạn C4: biến đổi trên da do bệnh lý tĩnh mạch: sạm da, chàm tĩnh mạch, teo da, xơ mỡ da.
Giai đoạn 5: gồm các biểu hiện giai đoạn 4 và loét da đã liền sẹo.
Giai đoạn 6: gồm các biểu hiện giai đoạn 4 và loét da chưa liền sẹo.
Hình ảnh các giai đoạn tiến triển bệnh từ nhẹ đến nặng
Nguyên nhân gây suy tĩnh mạch chi dưới
– Bẩm sinh: do những bất thường về mặt di truyền, do bất thường về mặt giải phẫu của tĩnh mạch và hoặc van tĩnh mạch (bờ tự do van quá dài gây sa van, giãn vòng van, thiếu hụt hoặc thiểu sản van).
– Thoái hóa: van tĩnh mạch bị hỏng theo thời gian do ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ dẫn đến suy tĩnh mạch.
– Sau các bệnh lý khác: sau chấn thương vùng chân gây tổn thương van tĩnh mạch, sau bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới…
– Hội chứng Klippel Trenaunay Webber: là một bất thường bẩm sinh, một nguyên nhân hiếm gặp của suy tĩnh mạch mạn tính bao gồm: bất thường về mao mạch (các bớt rượu vang), bất thường về tĩnh mạch và phì đại chi.
– Hội chứng May – Thuner hay hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu chung bên trái do sự chèn ép của động mạch chậu chung phải phía trước và cột sống phía sau. Bệnh có thể biểu hiện với biến chứng cấp tính huyết khối tĩnh mạch chậu đùi bên trái hay thể mạn tĩnh như tình trạng suy tĩnh mạch mạn tính chân trái.
– Bị chèn ép: thai nhi, các khối u, có thể chèn ép tĩnh mạch chậu gây suy tĩnh mạch thứ phát.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
– Tuổi tác: nguy cơ bị suy tĩnh mạch tăng dần theo tuổi do các tĩnh mạch và van tĩnh mạch dần bị thoái hóa.
– Giới tính: tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới khoảng 3 – 4 lần, phụ nữ đã mang thai, điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế, dùng thuốc tránh thai hoặc sau khi mãn kinh nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Tiền sử gia đình: trong gia đình có người bị giãn tĩnh mạch.
– Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ bị suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính.
– Đứng hoặc ngồi nhiều trong thời gian dài làm tăng áp lực trong tĩnh mạch và theo thời gian có thể dẫn đến suy tĩnh mạch.
– Tiếp xúc kéo dài trong môi trường nhiệt độ cao (công nhân nhà máy luyện gang thép, công nhân dưới hầm lò,…) có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa tĩnh mạch và van tĩnh mạch.
– Chế độ ăn ít chất xơ sẽ gây táo bón từ đó làm tăng áp lực tĩnh mạch ở chân.
Suy tĩnh mạch chi dưới có gây biến chứng?
Các biến chứng do suy tĩnh mạch chi dưới thường ít khi xảy ra, bao gồm:
– Loét da: loét do tĩnh mạch có thể rất đau, hình thành trên da gần vùng tĩnh mạch giãn, đặc biệt gần vùng mắt cá chân. Loét da do tụ dịch kéo dài ở vùng mô và do tăng áp lực máu trong tĩnh mạch bị suy. Màu sắc da thay đổi trước khi hình thành vết loét, do vậy khi nghi ngờ có một vết loét ở chân chúng ta nên đi khám bác sĩ ngay.
– Huyết khối tĩnh mạch: ít khi xảy ra, trong các trường hợp này, chân sẽ sưng to lên đáng kể. Nếu chân của bạn bị sưng lên đột ngột, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để xác định có tình trạng huyết khối tĩnh mạch hay không.
– Chảy máu: đôi khi xảy ra do vỡ những tĩnh mạch suy giãn sát da. Chảy máu thường nhẹ tuy nhiên có thể tái phát.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh bằng cách nào?
Để chẩn đoán bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính, bác sĩ cần hỏi tiền sử bệnh trước đây, khám chân ở các tư thế đồng thời khai thác các triệu chứng đau hay khó chịu ở chân.
Bác sĩ cũng sẽ chỉ định siêu âm tĩnh mạch chi dưới để đánh giá chức năng các van tĩnh mạch cũng như dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch chi dưới.
Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá kỹ hơn tình trạng suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính (Chụp tĩnh mạch – Venography; Phép ghi biến thiên tĩnh mạch – Plethysmography; Phân suất tống máu của cơ cẳng chân – Muscle Pump Ejection Fraction (MPEF)).
Đặc biệt lưu ý với một số bệnh khác có thể nhầm lẫn triệu chứng của suy tĩnh mạch như: Ung thư biểu mô tế bào đáy, Viêm mô tế bào, Viêm da dị ứng, Các biểu hiện da của bệnh tim, bệnh thận, Loét do chấn thương, Giãn tĩnh mạch mạng nhện đơn thuần, Đau dây thần kinh tọa.
Tư vấn điều trị cải thiện bệnh
– Thay đổi lối sống, ăn uống, luyện tập.
– Đi tất áp lực phù hợp.
– Sử dụng các thuốc trợ tĩnh mạch.
– Điều trị can thiệp/phẫu thuật cho những trường hợp cần thiết.
Khi thấy có những biểu hiện của suy tĩnh mạch, bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp.
ThS.BS. Trịnh Xuân Cường
*Bài viết có tham khảo tư liệu chuyên ngành của một số tác giả.
- TS.BS. Bạch Quốc Khánh làm chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam
- Tiến Sĩ Bác sĩ chuyên khoa Huyết Học – Ghép Tủy HSCT – Dr Yvonne Loh Su Ming
- Chuyên gia quốc tế tại Hội Nghị Huyết Học Truyền Máu Toàn Quốc 2022
- Sữa Non Kháng Thể từ Newzealand
- Những dấu ấn trong quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Singapore
- Xu hướng chăm sóc sức khỏe nổi bật nhất 2022
- Dị vật đường ăn và những điều cần lưu ý
- Chúc mừng năm mới 2021