Chụp CT Scanner có rủi ro không?

20200630 042119 199503 Screenshot 1593490833.max 800x800

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Bích Ngọc – Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

 

Với những vai trò trong việc chẩn đoán bệnh lý và hỗ trợ điều trị bệnh thì không thể phủ nhận rằng kỹ thuật chụp CT Scanner rất quan trọng trong y khoa. Tuy nhiên, một số rủi ro mà người bệnh có thể gặp phải khi chụp CT là khả năng phơi nhiễm phóng xạ hay phụ nữ mang thai chụp CT Scanner có thể gây dị tật thai nhi,…

1. Chụp CT Scanner là gì?

 

Đây là một kỹ thuật hình ảnh sử dụng tia X quét lên tại một vị trí hoặc toàn bộ cơ thể theo các lát cắt ngang. Tùy theo thế hệ máy CT Scanner mà ảnh chụp sẽ tương ứng với những lát cắt ngang. Hình ảnh chụp sau đó sẽ được phối hợp xử lý bằng máy vi tính để cho kết quả.

Kết quả của kỹ thuật chụp CT Scanner sẽ thu được nhiều ảnh chụp 2 chiều hoặc hình dựng 3 chiều chi tiết của vị trí cơ thể cần chụp. Chụp CT Scanner sẽ cho ra ảnh đen trắng với màu sắc đậm – nhạt khác nhau, điều này sẽ tùy thuộc vào mức độ cản tia X của mô mềm và mô cứng trong cơ thể.

Kỹ thuật chụp CT Scanner được đánh giá là cho hình ảnh chụp chi tiết hơn nhiều so với kỹ thuật chụp X quang truyền thống, hình ảnh rõ nét, không xảy ra hiện tượng chồng hình vì kỹ thuật này được tách ra theo các ảnh chụp lát cắt. Bên cạnh đó, thời gian chụp nhanh và kết quả nhanh nên rất phù hợp trong việc đánh giá các bệnh cấp cứu hoặc những cơ quan di động trong cơ thể vì vậy nó có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán bệnh.

Một số bệnh có thể chẩn đoán nhờ vào phương pháp chụp CT Scanner gồm:

  • Chẩn đoán những rối loạn cơ bắp và xương, ví dụ như khối u xương và tình trạng gãy xương. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này còn có thể phát hiện các tổn thương nội tạng và chảy máu bên trong.
  • Xác định vị trí của khối u ở trong cơ thể, các tổn thương viêm, nhiễm trùng. Đồng thời, kỹ thuật này còn có thể định hướng các thủ thuật như phẫu thuật, sinh thiết hoặc xạ trị.
  • Phát hiện và theo dõi tình trạng của các bệnh ung thư, bệnh tim, khối u phổi hoặc gan và theo dõi hiệu quả trong các phương pháp điều trị bệnh.

Tùy thuộc vào mục đích của việc chẩn đoán, khi sử dụng kỹ thuật chụp CT Scanner, người bệnh có thể dùng hoặc không dùng thuốc cản quang. Khi dùng thuốc cản quang các mô, tổ chức, mạch máu sẽ hiện hình một các rõ nét, ranh giới của khối u sẽ trở nên rõ ràng hơn; từ đó, cho chẩn đoán chính xác hơn. Thông thường, chụp CT Scanner sử dụng thuốc cản quang thường thực hiện khi phân biệt các tổn thương hoặc cần đánh giá hệ mạch máu dựa trên khả năng hấp thụ thuốc cản quang khác nhau.

Không chỉ dựng ảnh 2D, kỹ thuật chụp CT Scanner 3D – CT còn giúp đánh giá chính xác vị trí tổn thương trong không gian 3 chiều. Vì vậy, kỹ thuật này có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi định hướng phẫu thuật điều trị, xạ trị ung thư và bất thường bệnh lý cần can thiệp tạo hình chỉnh sửa hay các dị tật bẩm sinh cũng dựa trên ảnh chụp 3D – CT Scanner để định hướng thực hiện việc điều trị.

Các lớp chụp CT Scanner
Kết quả của kỹ thuật chụp CT Scanner sẽ thu được nhiều ảnh chụp 2 chiều hoặc hình dựng 3 chiều chi tiết của vị trí cơ thể cần chụp.

2. Chụp CT Scanner có rủi ro không?

 

Với những vai trò trong việc chẩn đoán bệnh lý và hỗ trợ điều trị bệnh thì không thể phủ nhận rằng kỹ thuật chụp CT Scanner rất quan trọng trong y khoa. Vậy chụp CT Scanner có rủi ro không? Theo đó, kỹ thuật này có chi phí phù hợp, thường được ưu tiên hàng đầu trong nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh lý, tuy nhiên nó có một số rủi ro mà người bệnh có thể gặp phải khi chụp là:

  • Chụp CT Scanner có khả năng phơi nhiễm phóng xạ

Mặc dù thời gian tiếp xúc với tia X khi chụp CT Scanner là khá ngắn, tuy nhiên, do lượng bức xạ lớn và tập trung nên mức nhiễm xạ sẽ cao hơn so với kỹ thuật chụp X quang. Nếu khi người bệnh chụp CT Scanner nhiễm xạ vượt qua giới hạn an toàn thì có thể sẽ tăng nguy cơ ung thư và dẫn đến một số tác hại cho sức khỏe sau này.

Vì vậy, người bệnh nên chụp CT Scanner theo chỉ định của bác sĩ để phù hợp với tần suất và liều phù hợp thì những nguy cơ này rất hiếm khi xảy ra với người bệnh.

  • Chụp CT Scanner có khả năng gây dị tật thai nhi

Nếu phụ nữ mang thai chụp CT Scanner có khả năng thì có thể gây dị tật thai nhi do tia bức xạ gây ra. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ trong tương lai. Do đó, đối với những phụ nữ đang mang thai thì cần thông báo với bác sĩ để được xem xét chuyển sang xét nghiệm chẩn đoán an toàn hơn như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ MRI.

  • Thuốc cản quang có thể gây tác dụng phụ

Trong một số trường hợp, thuốc cản quang có thể gây ra dị ứng. Dị ứng thuốc cản quang có thể từ nhẹ đến nặng, nếu trường hợp dị ứng nhẹ, người bệnh có thể có cảm giác ấm, nóng, buồn nôn hoặc nôn, nổi mề đay, lạnh run, hoa mắt chóng mặt, hắt xì,… Thường những triệu chứng này sẽ mất dần trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, nếu bị dị ứng nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ bị phù họng, suyễn, huyết áp hạ, sốc, suy tim phổi và nguy hiểm hơn là tử vong. Do vậy, để phòng ngừa dị ứng với thuốc cản quang, nếu có tiền sử dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào thì cần thông báo cho bác sĩ biết tình trạng và loại thuốc bị dị ứng đó.

Lưu ý: Nếu sau khi tiêm thuốc, người bệnh bị đau tĩnh mạch thì không được chườm nóng; người bị bệnh cường giáp, u tủy thượng thận, nhược cơ nặng… thì thông báo với bác sĩ để chuyển sang phương pháp khác, bởi sử dụng thuốc cản quang ở những bệnh nhân này sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có giá trị creatinin huyết thanh > 2,0 mg/dL thì không nên tiêm thuốc cản quang hoặc bệnh nhân có chức năng thận không tốt thì cần phải ngưng sử dụng thuốc hạ đường huyết metformin trong 48 giờ trước khi thực hiện chụp CT Scanner hoặc điều trị có thuốc cản quang.

Các dị tật thai nhi thường gặp
Chụp CT Scanner có khả năng gây dị tật thai nhi.

3. Lưu ý khi chụp CT Scanner

 

Để hạn chế các rủi ro cũng như tăng giá trị chẩn đoán bệnh khi chụp CT Scanner, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Đối với những trường hợp cần phải tiêm thuốc cản quang, trước khi thực hiện kỹ thuật này nên nhịn ăn trên 4 giờ đồng hồ, nhưng người bệnh vẫn có thể uống thuốc hàng ngày, ngoại trừ thuốc tiểu đường cần tạm thời ngưng uống. Để tránh hạ đường huyết ở bệnh nhân huyết áp, có thể ăn một ít kẹo ngọt.
  • Khi chụp CT Scanner, người bệnh nên mặc quần áo không có kim loại cũng như cần tháo bỏ các đồ trang sức kim loại trên cơ thể để làm giảm vấn đề gây nhiễu ảnh.
  • Máy chụp CT Scanner có bức xạ ion hóa, vì vậy với phụ nữ đang mang thai nên lưu ý thông báo cho bác sĩ biết. Còn những bệnh nhân có sức khỏe không tốt hoặc cần tiêm thuốc cản quang thì nên đi kèm với người thân.
  • Đối với những người bệnh tiêm thuốc cản quang phải có giá trị creatinin huyết thanh trong vòng 3 tháng. Do đó cần hoàn thành xét nghiệm máu trong vòng 3 tháng trước khi chụp CT Scanner. Trường hợp với những người bệnh nội trú hoặc người bệnh cấp cứu, nếu chức năng thận thay đổi ngắn hạn hoặc cấp tính thì nhất thiết xác nhận lại giá trị creatinin huyết thanh trong vòng 3 ngày trước khi chụp.
  • Những người bệnh cần tiêm thuốc cản quang thì phải thông báo rõ ràng với y, bác sĩ về các tiền sử chức năng thận không tốt, bệnh cường giáp hay nhược cơ nặng, bệnh u tủy thượng thận hay có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang hoặc các thuốc khác.
  • Ngoài ra, nên cung cấp cho bác sĩ lâm sàng những điều cần thiết trong việc đánh giá tiến trình bệnh. Nếu người bệnh phối hợp tốt thì tỷ lệ thất bại rất nhỏ.

Sau khi chụp CT Scanner, kết quả được coi là bình thường nếu bác sĩ không thấy bất kỳ khối u, vị trí gãy xương hay các tổn thương bất thường khác trên hình ảnh chụp. Trong trường hợp phát hiện bất thường ở kết quả chụp CT thi người bệnh cần làm thêm một số xét nghiệm chẩn đoán khác, tùy thuộc vào sự bất thường thể hiện trên phim chụp.

 

Kẹo
Để tránh hạ đường huyết ở bệnh nhân huyết áp, có thể ăn một ít kẹo ngọt.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện uy tín hàng đầu cả nước, được đông đảo người bệnh tin tưởng thăm khám và điều trị bệnh. Không chỉ có hệ thống cơ vật chất, trang thiết bị hiện đại: 6 phòng siêu âm, 4 phòng chụp X- quang DR (1 máy chụp toàn trục, 1 máy tăng sáng, 1 máy tổng hợp và 1 máy chụp nhũ ảnh), 2 máy chụp Xquang di động DR, 2 phòng chụp cắt lớp vi tính đa dãy đầu thu (1 máy 128 dãy và 1 máy 16 dãy), 2 phòng chụp Cộng hưởng từ (1 máy 3 Tesla và 1 máy 1.5 Tesla), 1 phòng chụp mạch máu can thiệp 2 bình diện và 1 phòng đo mật độ khoáng xương….Vinmec còn là nơi quy tụ đội ngũ các y, bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ hỗ trợ phần nhiều trong việc chẩn đoán và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của cơ thể người bệnh. Đặc biệt, với không gian được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, Vinmec đảm bảo sẽ mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm nhất.