Với nam giới được chẩn đoán vô tinh, bước tiếp theo bác sĩ lâm sàng phải xác định nguyên nhân vô tinh. Tùy theo vô tinh đó thuộc loại vô tinh do tắc hay không do tắc để đưa ra phương pháp điều trị khác nhau.
Không có tinh trùng – vô tinh (Azoospermia) là tình trạng không quan sát thấy tinh trùng trong mẫu tinh dịch của một lần xuất tinh. Điều này chỉ được khẳng định khi bệnh nhân được làm xét nghiệm 2 lần với lần 2 cách lần 1 ít nhất 6 ngày và không quá 3 tháng.
Cần phân biệt vô tinh với trường hợp nam giới không có tinh dịch hay không xuất tinh được. Đối với vô tinh, người đàn ông vẫn có khả năng xuất tinh bình thường, có tinh dịch nhưng trong tinh dịch không tồn tại tinh trùng.
1. Phân loại vô tinh
Vô tinh được chia làm 2 loại dựa vào nguyên nhân, bao gồm:
– Vô tinh do tắc:
Xảy ra khi ống dẫn tinh từ tinh hoàn đến niệu đạo bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn này có thể là kết quả của phẫu thuật trước đó trên bìu hoặc tinh hoàn, hoặc sau khi điều trị thoát vị bẹn. Trong phẫu thuật thoát vị, ống dẫn tinh có thể vô tình bị tổn thương hoặc thậm chí bị cắt. Sự hình thành mô sẹo ống dẫn tinh sau phẫu thuật hoặc nhiễm trùng (thường gặp nhất là nhiễm khuẩn do lậu cầu) cũng là nguyên nhân phổ biến của vô tinh do tắc.
Một số nam giới không có ống dẫn tinh ở hai bên bẩm sinh, nguyên nhân liên quan đến gen gây bệnh xơ nang. Vì lý do này, bất kỳ nam giới nào bị vô tinh nguyên nhân do không có ống dẫn tinh bẩm sinh phải được làm xét nghiệm di truyền để xác định liệu có mang gen gây ra bệnh xơ nang hay không.
– Vô tinh không do tắc: Do bất thường quá trình sinh tinh
+ Các bệnh lý của vùng dưới đồi – tuyến yên: Hội chứng Kallman, u tuyến yên hay các phẫu thuật gây tổn thương tuyến yên. Tăng tiết Prolactin ức chế bài tiết FSH và GnRH từ đó ức chế quá trình sinh tinh.
+ Tại tinh hoàn: Tinh hoàn ẩn, biến chứng viêm tinh hoàn sau quai bị,…
+ Bất thường số lượng nhiễm sắc thể: Hội chứng Klinfelter, hội chứng nam XX, hội chứng Down…
+ Bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể Y: Khi toàn bộ nhánh ngắn hoặc phần xa của nhánh ngắn nhiễm sắc thể Y bị mất (mất gen SRY); Mất đoạn AZF (a,b,c) trên nhánh dài của nhiễm sắc thể Y.
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
2. Chẩn đoán vô tinh tại IVFYHN
Để đánh giá mật độ tinh trùng, bác sĩ sẽ chỉ định phân tích tinh dịch đồ, đây là một xét nghiệm tuy đơn giản nhưng vô cùng hữu ích trong đánh giá khả năng sinh sản ở nam giới.
Để kết quả phân tích tinh dịch đồ chính xác, nam giới sẽ được yêu cầu kiêng quan hệ tình dục trong từ 3 – 5 ngày. Mẫu tinh dịch thường được lấy tại phòng khám, nam giới sẽ thủ dâm và phóng tinh dịch vào một hộp vô trùng. Nam giới cũng có thể lấy mẫu tinh dịch tại nhà bằng cách xuất tinh vào bao cao su đặc biệt do bác sĩ cung cấp, tuyệt đối không được sử dụng loại bao cao su thông thường vì chúng thường chứa chất bôi trơn và chất diệt tinh trùng, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng mẫu.
Nếu lấy mẫu tinh dịch tại nhà cần bảo quản mẫu ở nhiệt độ gần với nhiệt độ cơ thể (37 độ) và đem đến phòng xét nghiệm trong thời gian ngắn (không quá 1 giờ) để tránh tinh trùng bị bất hoạt.
Sử dụng buồng đếm Makler để đánh giá mật độ tinh trùng, nếu không quan sát thấy tinh trùng trong 100 ô thì chưa vội kết luận bệnh nhân này bị vô tinh, mà phải tiến hành li tâm mẫu tinh dịch 3000 vòng/phút trong vòng 5 phút, lấy cặn nhỏ lên lam kính và phủ lamen lên trên, tiến hành đánh giá bằng kính hiển vi quang học. Nếu sau li tâm, không quan sát thấy tinh trùng trên toàn bộ vi trường thì lúc này mới được kết luận không có tinh trùng trong mẫu nước tiểu. Để xác định chính xác tình trạng của tinh trùng nam giới, phân tích tinh dịch đồ thường được thực hiện ít nhất là 2 lần, các mẫu tinh dịch có thể được lấy cách nhau từ 2 – 4 tuần.
3. Điều trị vô sinh ở bệnh nhân không có tinh trùng
Với nam giới được chẩn đoán vô tinh, bước tiếp theo bác sĩ lâm sàng phải xác định nguyên nhân vô tinh. Tùy theo vô tinh đó thuộc loại vô tinh do tắc hay không do tắc để đưa ra phương pháp điều trị khác nhau.
Các phương pháp cận lâm sàng tìm nguyên nhân thường quy đối với bệnh nhân vô tinh bao gồm:
– Li tâm nước tiểu, tìm tinh trùng trong cặn nước tiểu đối với trường hợp nghi ngờ xuất tinh ngược;
– Xét nghiệm nội tiết: FSH, LH, Prolactin, Testosterone;
– Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm tinh hoàn, chụp CT vùng tuyến yên;
– Các xét nghiệm di truyền: Karyotype, tìm mất đoạn AZF…
Khi đã tìm được nguyên nhân, bác sĩ lâm sàng sẽ đưa ra chiến lược điều trị cho từng bệnh nhân cụ thể. Hiện nay với sự phát triển của công nghệ y học, đặc biệt là sự ra đời và phát triển của kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), nam giới vô sinh không có tinh trùng vẫn có thể có con. Phương pháp này chỉ cần có một vài tinh trùng lấy ở trong mào tinh hoặc tinh hoàn đã có thể gây thụ tinh với noãn nhờ kỹ thuật ICSI và tạo phôi.
4. Một số phương pháp thu nhận tinh trùng ở các trường hợp vô tinh
– Thủ thuật MESA
Thủ thuật này dùng cho những người bị tắc ống dẫn tinh nhưng cơ thể vẫn sản xuất ra tinh trùng. Mào tinh sẽ được bộc lộ, bác sĩ trực tiếp lấy tinh trùng từ mào tinh của người bệnh bằng phương pháp chọc hút. Trong khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân sẽ được gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê. Tỉ lệ thành công của thủ thuật này tương đối cao.
– Thủ thuật PESA
Tiến hành chọc hút tinh trùng qua da. Tuy tỉ lệ thành công của PESA chỉ bằng một nửa so với MESA nhưng PESA sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều khi bác sĩ chỉ gây tê tại chỗ để thực hiện thủ thuật.
– Thủ thuật MTESE/TEFNA
Nếu chức năng sinh tinh của tinh hoàn vẫn bình thường thì ngoài MESA có thể lựa chọn MTESE. Bác sĩ sẽ hút tinh trùng bằng một chiếc kim đâm xuyên qua mô tinh hoàn. Tỉ lệ thành công của phương pháp này cũng khá cao.
– Thủ thuật TESE
Trong trường hợp bất thường một phần quá trình sinh tinh của tinh hoàn (tinh trùng được sản xuất ra tại tinh hoàn nhưng không đa được đến mào tinh hoặc ống dẫn tinh) thì bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách tìm tinh trùng trong các mẫu mô của tinh hoàn. Phương pháp này khá phức tạp và tỉ lệ thành công cũng không quá cao.
– Thủ thuật MicroTESE
Trong một số trường hợp vô tinh do bệnh lý di truyền như Klinfelter hoặc vô tinh sau quai bị có thể dùng thủ thuật MicroTESE tìm những ống sinh tinh có tiềm năng, sau đó lấy tinh trùng từ những ống sinh tinh này để làm ICSI.
Trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán là suy sinh dục thứ phát, nên tiến hành điều trị bằng các liệu pháp nội tiết (khởi đầu bằng điều trị hCG hoặc LH), khi bắt đầu quan sát thấy quá trình sinh tinh diễn ra thì bổ sung thêm FSH. Với phác đồ điều trị hợp lý và theo dõi chặt chẽ, bệnh nhân có thể có cơ hội có tinh trùng trở lại, từ đó giúp họ có được con của chính mình.
Kết luận: Vô tinh ở nam giới là một vấn đề phức tạp, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, do vậy việc tìm và giải quyết nguyên nhân vô tinh là vô cùng quan trọng. Nhưng có thể khẳng định, nam giới vô tình hoàn toàn có khả năng có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu thật sự không thể có tinh trùng thì người nam giới đó vẫn có thể có con bằng cách xin tinh trùng hiến từ ngân hàng tinh trùng.
TT Hỗ trợ sinh sản và CNMG
- Tiến Sĩ Bác sĩ chuyên khoa Huyết Học – Ghép Tủy HSCT – Dr Yvonne Loh Su Ming
- TS.BS. Bạch Quốc Khánh làm chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam
- Chuyên gia quốc tế tại Hội Nghị Huyết Học Truyền Máu Toàn Quốc 2022
- Cách xác định các giai đoạn của bệnh ung thư
- Những điều cần biết về bệnh suy tĩnh mạch chi dưới
- Khám sức khỏe định kỳ doanh nghiệp tại cơ quan
- Liệu pháp tế bào CAR T trong u lympho không Hodgkinvà đa u tuỷ xương: Cập nhật lâm sàng